1. Những nguyên tắc chung trong an toàn lao động
Khi thi công gần các bộ phận mang điện phải tuân theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện – QCVN 01:2008/BCT”. Ngoài ra còn phải áp dụng các biện pháp sau:
Bố trí cán bộ chuyên trách an toàn để giám sát công việc và hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn khi thi công. Cán bộ an toàn phải kiên quyết sử lý những vi phạm của người lao động trên công trường, nếu thấy cần thiết lập biên bản báo cáo Ban chỉ huy công trường. Tất cả mọi người tham gia thi công trên công trường đều phải được huấn luyện, hướng dẫn đầy đủ các quy trình, quy định về xây dựng, kỹ thuật an toàn và được kiểm tra, xác nhận đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn của các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định hiện hành và có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động. Có đầy đủ trang bị cá nhân, dụng cụ thi công: Mũ, quần áo, giày, dép có quai hậu, dây ra an toàn, bút thử điện, túi bạt đựng dụng cụ sửa chữa cá nhân, tời, tó, dây cáp dựng cột, puly… Tất cả các trang bị cá nhân và dụng cụ thi công phải được kiểm tra định kỳ đạt yêu cầu mới được sử dụng.
Tham khảo thêm
=>> Bảng giá trạm biến áp mới nhất Bán chạy
Trong thời gian làm việc nghiêm cấm mọi hành vi uống rượu, bia hoặc sử dụng các chất kích thích trong công trường.
Chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng các thiết bị chạy điện cầm tay, đặc biệt là máy hàn, đầm dùi, máy cắt thép chạy bằng điện. Nếu để rò điện sẽ gây nguy hiểm lớn về tính mạng cho nhiều người. Người sử dụng máy đầm phải đi ủng và trang bị găng tay cao su cách điện.
Nhà thầu trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng khi làm việc ban đêm để đảm bảo tất cả các hoạt động được thực hiện trong điều kiện tốt.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi phát hiện có vi phạm về an toàn lao động thì đình chỉ thi công xây dựng. Người để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước khi thi công từng hạng mục phải lập các biện pháp an toàn cụ thể cho hạng mục đó. Biện pháp an toàn phải được phổ biến cho công nhân trước khi thi công.
Mỗi ngày, trước khi làm việc, đội trưởng, cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng, kiểm tra lại tình trạng của tất cả các bộ phận thi công, kiểm tra xong mới cho công nhân làm việc. Trong khi làm việc, bất kỳ công nhân nào phát hiện thấy mất an toàn phải ngừng làm việc và báo cáo ngay cho cán bộ kỹ thuật hoặc đội trưởng để xử lý.
Các thiết bị thi công trước khi vận hành phải được kiểm tra đảm bảo an toàn mới cho sử dụng. Việc sử dụng thiết bị thi công phải đúng mục đích. Không cho phép mang thiết bị thi công ra sử dụng ngoài phạm vi thi công.
Khi làm việc trên cao cấm tung ném dụng cụ mà phải buộc vào dây để chuyển lên hay mang xuống đất. Tuyệt đối không được đứng dưới tải trọng của cần cẩu, không được đứng dưới mặt bằng trong phạm vi làm việc của người làm việc trên cao. Phải chú ý đề phòng các vật tư rơi từ trên cao xuống.
Các công nhân tham gia thi công phải được khám sức khoẻ trước khi thi công và khám sức khoẻ định kỳ trong suốt thời gian thi công. Đối với công nhân trèo cao phải được cấp thẻ an toàn mới được tham gia trèo cao.
Để phòng chống cháy nổ gây mất an toàn khi thi công, Nhà thầu sẽ tách riêng khu vực hút thuốc dành cho người lao động. Nghiêm cấm các hành vi hút thuốc ngoài khu vực cho phép của công trường.
2. Hệ thống bảo vệ và an toàn lao động trên công trường
2.1 Các biện pháp kỹ thuật
Đảm bảo an toàn về giao nhận, vận chuyển và lưu kho các thiết bị và vật tư.
Nghiên cứu tài liệu của nhà thầu chế tạo và điều kiện cụ thể trên công trường để lập hướng dẫn chi tiết về trình tự lắp đặt và sử dụng thiết bị.
Khi sử dụng tời quay tay phải đảm bảo an toàn.
An toàn trong khi sử dụng cần cẩu lắp đặt thiết bị
Tất cả các bộ phận kim loại khi đưa lên cao đều phải được tiếp đất an toàn đề phòng cảm ứng điện. Cấm dùng thước thép, thước cuộn bằng thép; không được buông thõng tự do các đầu dây thừng.
Ở những khu vực nguy hiểm hay xảy ra tai nạn cần phải có các rào chắn kèm theo biển báo, đèn hiệu để cấm người, xe máy qua lại.
Các loại biển báo:
Biển báo cấm: Khu vực cấm lửa ở các kho xăng dầu, xưởng mộc, xưởng cơ điện, biển báo cấm vào, cấm qua lại nếu không có nhiệm vụ
2.2 Các biện pháp tổ chức:
a. Biện pháp an toàn khi làm việc ở khu vực có điện
- Tại mỗi vị trí công tác có liên quan đến điện, đơn vị thi công luôn phải bố trí ít nhất 2 người để đảm bảo an toàn.
- Những người được cử công tác trong khu vực có điện phải được đào tạo đặc biệt, qua thao diễn thực hành thông thạo trên đường dây đã cắt điện và đường dây đang mang điện, sau đó sát hạch đảm bảo yêu cầu và cấp giấy chứng nhận cho phép làm việc. Người chỉ huy trực tiếp đơn vị công tác phải có bậc IV an toàn trở lên, nhân viên đơn vị công tác phải có bậc III an toàn trở lên.
- Khi tổ chức thi công ở khu vực có điện phải cấp phiếu công tác, hoặc lệnh công tác và chấp hành đầy đủ quy trình kỹ thuật an toàn điện, đảm bảo khoảng cách an toàn điện cụ thể:
+ 0,6m đối với điện áp đến 35kV;
+ 0,8m đối với điện áp đến 66kV;
+ 1,0m đối với điện áp đến 110kV;
+ 2,0m đối với điện áp đến 220kV;
+ 3,5m đối với điện áp đến 500kV.
- Sử dụng điện và những công việc liên quan đến điện phải có dụng cụ bảo hộ lao động. Không cho phép làm việc trong vùng của các đường dây siêu, cao áp có cường độ điện trường ≥ 25kV/m.
- Bảo đảm đúng các quy định làm việc gần hệ thống điện: quy định rõ ràng vùng nguy hiểm, có cơ chế rào chắn, biển báo, giám sát, tuân thủ đầy đủ các thủ tục đăng ký cắt điện với cơ quan quản lý đường dây, thử điện, nối đất, cô lập hai đầu đoạn dây thi công, bàn giao khu vực công tác tại hiện trường,…
- Khi đi kiểm tra thiết bị hoặc ghi chữ đồng hồ đo đếm điện một mình không được vượt qua rào chắn, mở cửa lưới và cửa tủ buồng thiết bị phân phối hoặc tự ý sửa chữa thiết bị. Trường hợp phải mở cửa lưới hoặc cửa tủ phân phối nhất thiết phải có người đi cùng giám sát.
b. Biện pháp an toàn trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị điện khi thi công.
- Kiểm tra cẩn thận các bộ phận của máy móc thiết bị trước khi hoạt động.
- Chế độ bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, phải thực hiện đúng quy định.
- Vận hành, hoạt động của mỗi thiết bị phải đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
- Trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn cho máy thi công.
- Sử dụng các thiết bị điện trên công trường phải có sơ đồ mạng điện, cầu dao chung cho toàn bộ và cầu dao riêng cho từng phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trình khi cần thiết.
- Tất cả các thiết bị khi dùng điện phải tiếp địa theo quy phạm, dây tải điện phải có bọc lót cách điện, đồng hồ đo điện, găng tay, ủng, kiềm cách điện, chỉ có thợ điện mới được sửa chửa điện, lúc sửa chửa điện phải cắt điện và phải có người theo dõi.
- Phải có đủ hệ thống điện chiếu sáng khi làm việc ban đêm và khi tối trời (ánh sáng cần dùng từ 18h tối tới 6h sáng hôm sau nếu làm việc cả đêm).
Cắt điện để làm việc
- Khi thực hiện thao tác đóng hoặc cắt mạch điện cấp điện cho thiết bị, người thực hiện phải sử dụng các trang bị an toàn phù hợp (găng tay cách điện, ủng cách điện ...).
- Cắt điện để làm việc phải thực hiện sao cho sau khi cắt điện phải nhìn thấy phần thiết bị dự định tiến hành công việc đã được cách ly khỏi các phần có điện từ mọi phía (trừ thiết bị GIS).
Làm việc với máy phát điện, trạm biến áp
- Khi công việc được thực hiện ở thiết bị đang ngừng như máy phát điện, thiết bị bù đồng bộ và máy biến áp phải cắt tất cả các thiết bị đóng cắt nối với đường dây và thiết bị điện nhằm ngăn ngừa có điện bất ngờ ở thiết bị.
- Cho phép tiến hành các công việc thí nghiệm máy phát điện khi máy phát đang quay không có kích từ và phải thực hiện theo quy trình thí nghiệm được phê duyệt.
Làm việc động cơ điện
- Khi tiến hành làm việc trên động cơ mà không tháo dỡ động cơ ra khỏi mạch điện thì phải khóa cơ cấu truyền động cấp điện cho động cơ, khóa nguồn điều khiển động cơ và treo biển báo để tránh đóng nhầm điện trở lại.
- Khi tiến hành làm việc trên động cơ mà phải tháo các cực của động cơ ra khỏi mạch cung cấp điện, phải nối ngắn mạch 3 pha và đặt nối đất di động ba đầu cực cấp điện cho động cơ tại phía nguồn cung cấp.
- Các đầu ra và phễu cáp của động cơ đều phải có che chắn, bắt chặt bằng bu lông. Cấm tháo các che chắn này trong khi động cơ đang làm việc. Các phần quay của động cơ như vòng tiếp điện, bánh đà, khớp nối trục, quạt gió đều phải che chắn.
- Trước khi tiến hành công việc ở các động cơ bơm hoặc quạt gió phải thực hiện các biện pháp chống động cơ quay ngược.
Làm việc thiết bị đóng cắt
- Trước khi làm việc với thiết bị đóng cắt có cơ cấu khởi động tự động và điều khiển từ xa cần thực hiện các biện pháp sau:
+ Tách mạch điện nguồn điều khiển;
+ Đóng van dẫn khí nén đến khoang máy cắt hoặc cơ cấu khởi động và xả toàn bộ khí ra ngoài;
+ Treo biển báo an toàn;
+ Khoá van dẫn khí nén đến khoang máy cắt hoặc tháo rời tay van trong trường hợp phải làm việc ở bên trong khoang.
- Để đóng cắt thử phục vụ hiệu chỉnh thiết bị đóng cắt cho phép tạm thời đóng điện vào mạch thao tác, mạch động lực của bộ truyền động, mạch tín hiệu mà chưa phải làm thủ tục bàn giao.
Trong thời gian thử, việc cấp điện mạch điều khiển, mở van khí, tháo biển báo do nhân viên vận hành hoặc người chỉ huy trực tiếp (khi được nhân viên vận hành đồng ý) thực hiện.
Sau khi thử xong, nếu cần tiếp tục công việc ở thiết bị đóng cắt thì nhân viên vận hành hoặc người chỉ huy trực tiếp (khi được nhân viên vận hành đồng ý) phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cho phép đơn vị công tác vào làm việc.
- Trước khi làm việc trong bình chứa khí, công nhân phải thực hiện các biện pháp sau:
- Đóng tất cả các van của đường ống dẫn khí, khoá van hoặc tháo rời tay van, treo biển báo cấm thao tác;
- Xả toàn bộ khí ra khỏi bình chứa và mở van thoát khí.
- Trong vận hành mọi thao tác đóng cắt máy cắt phải điều khiển từ xa. Cấm ấn nút thao tác ở ngay hộp điều khiển tại máy cắt. Chỉ cho phép cắt máy cắt bằng nút thao tác này trong trường hợp cần ngăn ngừa sự cố hoặc cứu người bị tai nạn điện.
- Cấm cắt máy cắt bằng nút thao tác tại chỗ trong trường hợp đã cắt từ xa nhưng máy cắt không cắt hoặc không cắt hết các cực.
Làm việc với máy hàn
+ Khi sử dụng máy hàn phải kiểm tra toàn bộ máy hàn, khu hàn và các dụng cụ phục vụ công tác hàn, dây tải điện phải làm đồng bộ và đúng quy phạm hàn điện. Người thợ hàn không ngồi, đứng trực tiếp lên vật hàn, không hàn gần những vật liệu dễ cháy, nổ (như xăng dầu, tranh tre nứa lá). Hàn trên cao phải đeo dây an toàn và phải có người theo dõi. Khi hàn nơi ẩm ướt phải có ván lót cho người thợ hàn (tránh điện giật).
+ Trời mưa to, giông lớn thì phải nghĩ việc và che đậy các thiết bị điện cẩn thận. Mỗi khi hàn xong, trước khi rời vị trí hàn, người thợ hàn phải ngắt điện (đóng cầu dao điện). Thợ hàn và phụ hàn khi làm việc phải sử dụng đầy đủ các phòng hộ cá nhân theo quy định của pháp luật.
Khoảng cách khi đào đất
- Khi đào đất, các phương tiện thi công như xe ôtô, máy xúc .v.v… phải cách đường cáp điện ít nhất 1,0m; các phương tiện đào đất bằng phương pháp rung phải cách đường cáp ít nhất 5,0m.
- Khi đào đất ngay trên đường cáp điện thì đầu tiên phải đào thử đường cáp để xác định vị trí đặt, độ sâu của cáp dưới sự giám sát của nhân viên vận hành. Khi đào tới độ sâu còn cách đường cáp 0,40m không được dùng xà beng, cuốc mà phải dùng xẻng để tiếp tục đào.
Cuộn cáp
Trước khi lăn cuộn cáp trên đường phải sửa chữa những gồ ghề lồi lõm để khi lăn cuộn cáp khỏi bị đổ. Phải nhổ hết đinh nhô ra trên mặt cuộn cáp và bắt chặt các đầu cáp.
Bóc cáp
Khi bóc cả vỏ cáp và lớp cách điện của cáp thì nhân viên đơn vị công tác phải cẩn thận để tránh bị thương do công cụ và tránh làm bị thương người khác. Nhân viên đơn vị công tác phải cẩn thận để tránh hư hỏng cho phần khác của cáp.
Máy biến áp đo lường
Khi làm việc với mạch đo lường bảo vệ, nhân viên đơn vị công tác phải chú ý không làm ảnh hưởng đến bộ phận nối đất phía thứ cấp của các máy biến điện áp, biến dòng điện. Riêng máy biến dòng điện không để hở mạch phía thứ cấp.
Làm việc với hệ thống Ác Quy
- Phải chuẩn bị chất trung hoà phù hợp với hệ thống Ắc quy.
- Khi làm việc với Axit và Kiềm phải thực hiện các biện pháp thích hợp như mặc quần áo chuyên dụng, đeo kính bảo vệ mắt và găng tay cao su để bảo vệ cơ thể khỏi bị ảnh hưởng do Axit và Kiềm.
- Cấm hút thuốc hoặc đem lửa vào phòng Ắc quy. Ngoài cửa phòng Ắc quy phải đề rõ “Phòng Ắc quy - cấm lửa - cấm hút thuốc”.
- Phòng Ắc quy phải được thông gió để phòng ngừa bị ngộ độc hoặc cháy nổ do khí phát sinh từ hệ thống Ắc quy.
Đối với công tác điện tạm trên công trường:
- Hệ thống tủ điện tạm trên công trường khi thi công phải được bố trí ở chỗ khô ráo hoặc treo cao để tránh chỗ ẩm ướt. Đồng thời tủ điện tạm phải được bố trí tiếp địa đầy đủ, sử dụng MCCB chống dòng rò.
- Dây điện trên công trường khi thi công phải được để ở chỗ khô ráo, những chỗ ẩm ướt dây điện phải được treo trên cao cách mặt đất 2m để đảm bảo cách điện và tránh người qua lại. Riêng những khu vực có dây điện băng qua đường, cần phải treo dây điện cao trên 4m để đảm bảo xe chở vật liệu đi qua lại (treo biển cảnh báo dây điện phía trên).
Đối với công tác bê tông và vận chuyển vữa bê tông cần làm theo quy phạm:
+ Tất cả các bộ phận chuyển động của máy phải được che chắn, bảo vệ, máy trộn bê tông phải đặt nới cao ráo, chắc chắn, bằng phẳng, xung quanh máy phải có rãnh thoát nước, vị trí công nhân đùng vận hành và đỗ vật liệu và đổ vật liệu vào thùng trộn phải vững chắc và được chống trơn, trượt đường vận hành vữa bê tông phải thường xuyên rắc cát (nếu vận chuyển bằng thủ công)
+ Khi máy trộn đang làm việc thì người lao động tuyệt đối không được đưa tay hoặc cuốc xẻng vào thùng trộn, cấm người và các phương tiện khác đứng dưới hoặc sát miệng thùng trộn.
Kết thúc quá trình thi công, mọi người trên công trường đều phải có trách nhiệm ngắt điện các thiết bị, máy móc để đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ cũng như tiết kiệm chi phí tiền điện cho dự án.
c. An toàn lao động trong vận chuyển, bốc dỡ vật liệu thi công
- Kiểm tra, xác định độ bền vững của phương tiện vận chuyển trước khi sử dụng.
- Nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông trong khi vận chuyển.
- Hàng hóa xếp trên phương tiện vận chuyển gọn gang, chằng buộc chắc chắn.
d. Biện pháp an toàn khi làm việc trên cao
- Những người làm việc trên cao từ 3 mét trở lên phải có đầy đủ sức khỏe, không bị các bệnh tim, thần kinh, động kinh… có chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế. Người thường xuyên làm việc trên cao phải được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm hai lần.
- Mỗi khi tổ chức làm việc ở độ cao từ 50 mét trở lên, người công nhân phải được kiểm tra sức khỏe, kiểm tra huyết áp và tim mạch trước lúc trèo lên.
- Khi có 2 người làm việc trở lên nhất thiết phải cử nhóm trưởng. Trưởng nhóm phải chịu trách nhiệm kiểm tra đầy đủ biện pháp an toàn trước khi cho làm việc, nhắc nhở phòng ngừa tai nạn và những nguy hiểm khác.
- Nơi ở gần các đường dây điện hoặc địa hình, địa vật có các yếu tố nguy hiểm phải tổ chức các biện pháp phòng tránh tai nạn.
- Nơi có xe, người qua lại phải đặt rào ngăn, biển báo “Chú ý! Công trường”, cử người cầm cờ hiệu để ngăn hoặc chỉ dẫn cho các phương tiện đi qua.
- Những người làm việc trên cao phải tuân thủ theo các mệnh lệnh và các biện pháp an toàn mà người phụ trách hoặc cán bộ kỹ thuật chỉ dẫn.
- Nghiêm cấm những người uống rượu, bia, ốm, đau, không đạt tiêu chuẩn sức khỏe làm việc trên cao. Khi thấy các biện pháp an toàn chưa đảm bảo kỹ thuật an toàn thì người thực hiện có quyền đề đạt ý kiến với người ra lệnh. Nếu chưa được giải quyết thích đáng thì báo cáo lên trên một cấp và có quyền không thực hiện.
- Người làm việc trên cao phải mặc quần dài, áo dài tay, ống tay buông cài cúc, đội mũ an toàn cài quai, đi giầy bảo hộ.
- Trước khi trèo lên cột cao để làm việc phải kiểm tra tất cả các vị trí có thể có các khiếm khuyết khi mới lắp đặt cũng như phát sinh trong quá trình vận hành sử dụng như: bệ móng cột, móng néo; hệ thống dây néo, khóa néo, tăng dơ; các bu lông, mối hàn gắn kết; xác định các vị trí hư hỏng hay thiếu thanh giằng cột… Sau khi thực hiện biện pháp gia công, gia cố đảm bảo cột không bị đổ và đủ điều kiện an toàn cho người mới được phép trèo lên.
- Trong quá trình trèo lên cũng như khi làm việc trên cao bắt buộc phải đeo dây an toàn, dù thời gian làm việc rất ngắn ( trừ nơi có sàn lan can). Dây an toàn phải luôn được móc, mắc vào những bộ phận cố định chắc chắn.
- Khi có gió tới cấp 6 hay trời mưa to nặng hạt hoặc có giông, sét thì cấm làm việc trên cao. Những cột đang dựng dở hoặc mới đổ móng xong chưa đạt 24 giờ thì không được trèo lên lắp đặt thiết bị.
- Không mang vác dụng cụ, vật liệu nặng lên cao cùng với người. Chỉ mang theo người những dụng cụ nhẹ như kìm, tuốc nơ vít, cờ- lê, mỏ lết, búa con… nhưng phải đựng trong túi chuyên dùng. Cấm đựng các dụng cụ đó trong túi quần, túi áo đề phòng rơi xuống.
- Dụng cụ làm việc trên cao phải để vào những chỗ chắc chắn hoặc làm móc treo sao cho khi va đập không rơi. Dụng cụ cầm tay khi làm việc phải có dây đeo vào cổ tay đề phòng tuột tay rơi xuống.
- Cấm đưa dụng cụ, vật liệu lên cao hoặc hạ xuống bằng cách tung, ném mà phải dùng dây buộc, puly để kéo. Khi nâng, hạ vật, người điều khiển dây pu ly ở dưới phải đứng xa chân cột và giữ căng dây, không cho dụng cụ, vật liệu va đập vào thân cột.
- Cấm hút thuốc, cấm đùa nghịch, tranh cãi nhau, trèo lên cột không có bậc trèo thì phải dùng thang hoặc chân trèo chuyên dùng. Cấm trèo lên cột theo đường dây néo cột.
- Khi trèo lên các cột lắp đặt trên mái nhà phải đi lên bằng cầu thang của ngôi nhà đó. Trường hợp nhà không có lỗ thông mái thì phải sử dụng thang chuyên dùng, thang gắn cố định chắc chắn trên tường.
- Cấm trèo theo các đường ống máng, đường dây chống sét hoặc đu người bám theo lan can, ban công gờ mái để trèo.
e. Biện pháp an toàn sử dụng dây an toàn
Dây an toàn phải được thử 6 tháng 1 lần bằng cách treo tải trọng hoặc thiết bị thử dây an toàn chuyên dùng. Với dây cũ 225 kg, dây mới 300 kg, thời gian thử 5 phút. Sau khi thử phải ghi kết quả vào sổ quản lý và đánh dấu vào dây đã thử đạt tiêu chuẩn. Những dây không đạt tiêu chuẩn phải loại bỏ, không được sử dụng. Thường xuyên kiểm tra khóa móc, đường chỉ… nếu nghi ngờ phải thử chịu tải trọng ngay. Trước khi sử dụng phải đeo vào người rồi buộc dây vào vật chắc chắn ở dưới đất, ngả người để kiểm tra xem dây có hiện tượng gì không. Sử dụng xong cần treo lên giá hoặc cuộn gọn để trên cao, nơi khô ráo, sạch sẽ.
f. Biện pháp an toàn đào hố móng và rãnh cáp tại đường giao thông
- Đất đào lên phải vận chuyển kịp thời đi nơi không làm cản trở giao thông. Đào móng cột ở vị trí sình lầy, bùn nước phải có biện pháp kè, chắn đảm bảo an toàn. Đất đào lên phải vận chuyển cách xa hố móng.
- Nếu hố móng chưa kịp đổ bê tông hoặc chưa kịp dựng cột thì phải có biển báo hoặc rào chắn, ban đêm phải có đèn tín hiệu màu đỏ (trong trường hợp vị trí móng gần đường giao thông đông người đi lại)
- Đất thừa đào lên tuyệt đối không đổ xuống sông, kênh mương, nguồn nước sach...
- Khi đào hố móng căn cứ vào độ cứng của đất để xác định vát mép, độ vát mép C = 0,25 - 0,75 để tránh sụt đất gây tai nạn.
g. Biện pháp an toàn khi đúc móng
- Những người trộn bê tông phải đi ủng cao su, đeo găng tay vải, bịt khẩu trang để tránh bụi xi măng. Tuyệt đối không dùng tay không bốc hoặc dùng chân để gạt bê tông đã trộn xuống hố.
- Khi tưới nước vào hỗn hợp cát sỏi phải dùng vòi hoa sen, không được dùng thùng gánh nước đổ ào xuống làm bắn tung toé.
- Khi đổ bê tông xuống hố phải chú ý xúc gọn gàng. Trước khi đổ phải nhìn xem dưới hố có người không, khi xúc phải tập trung tư tưởng, không được vừa làm vừa đùa nghịch đổ lung tung ra ngoài.
- Khi tháo cốp pha không được làm vỡ bê tông, không gõ mạnh, đập mạnh. Tìm các khe hở đẩy bê tông nhẹ nhàng bật ra,
- Ván gôc cốp pha tháo ra rồi phải nhổ hết đinh và cất gọn vào một nơi.
h. Biện pháp an toàn khi vận chuyển cáp điện, dây dẫn
Bên nhận thầu đưa cáp lên xe bằng cẩu tự hành gắn trên xe tải của Công ty, khi nâng cả cuộn cáp lên ô tô phải dùng một trục đòn bằng sắt xuyên qua cuộn lô cáp rồi dùng dây cáp tết đầu luồn vào trục để cẩu. Trước khi lăn cuộn cáp phải xem xét và sửa lại những chỗ gồ ghề trước lô cáp để khi cáp lăn không bị vấp đổ, không được đi lại trên đường lăn cáp, lô cáp được lăn theo đúng chiều khuyến cáo của đơn vị sản xuất, tuyệt đối không được lăn theo chiều ngược lại để xảy ra trường hợp rối cáp... Công nhân vận chuyển phải đi găng tay vải thô.
i. Biện pháp an toàn khi rải dây
Trước khi rải căng dây phải kê giá ra cáp cao hơn mặt đất, nền đất bằng phẳng, nếu đất bị lún thì dùng ván gỗ kê vào chân giá, phải quay từ từ, vừa quay vừa chú ý có hiện tượng bị trở ngại không, thấy vướng dừng lại kiểm tra ngay.
Máy móc thiết bị dụng cụ phải được kiểm tra đảm bảo an toàn mới cho sử dụng để thi công, trong khi thi công thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của máy móc, thiết bị dụng cụ thi công nếu phát hiện thấy hư hỏng, giảm tính năng tác dụng phải tìm thiết bị thay thế hoặc dừng thi công để sửa chữa đến khi đảm bảo an toàn mới sử dụng để thi công.
Khi lắp đặt vật tư lên cột tuyệt đối không được tung ném vật tư hay dụng cụ làm việc.
Bố trí đủ nhân lực để thi công tuyệt đối không để công nhân làm những việc quá sức không đảm bảo an toàn.
Tại các vị trí kéo cáp qua đường giao thông phải có người cảnh giới để không xảy ra tai nạn.
Các hiệu lệnh kéo dây được thống nhất chung trong toàn tổ để đảm bảo an toàn trong thi công.
k. Biện pháp an toàn đóng điện vận hành công trình
Chỉ đóng điện vào đường dây sau khi công trình được nghiệm thu kỹ thuật đạt yêu cầu và có lệnh đóng điện.
Việc thao tác đóng điện do đơn vị quản lý công trình thao tác.
Thông tin liên hệ
Công ty Cổ phẩn Act hưng Phát
Trụ sở chính: Thôn Dục Nội, Xã Việt Hùng, Huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
Mã số thuế: 0109652211
Hotline/Zalo: 0868.146.135
Email: Acthungphat@gmail.com
Act Hưng Phát trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm tới hoạt động kinh doanh của chúng tôi, rất mong nhận được phản hồi và ý kiến đóng góp để chúng tôi hoàn thiện hơn./.